Agile mindset là gì? Câu hỏi của không ít người khi tiếp cận với khái niệm Agile. Là người muốn áp dụng Agile vào công việc cá nhân hay của đội nhóm, sẽ tốt hơn nếu bạn hiểu cốt lõi của triết lý và tư tưởng Agile, chứ không chỉ hiểu về cách thực hành hay công cụ áp dụng Agile. Bài viết này sẽ góp thêm một số góc nhìn giúp bạn hiểu về bản chất của Agile.
Hành trình nhập đạo Agile của mình tại Magestore
Nhớ lại hồi mình mới tiếp cận với từ khóa Agile, xung quanh 1 vài team trong công ty bắt đầu đi học về Agile. Hồi đó, các team nhen nhóm thực hành Kanban, Scrum - những practices trong cái ô to Agile. Rồi mọi người còn thường xuyên đi họp, lại còn đứng họp hàng ngày nữa. Trong 1 tuần thì lôi nhau vào trong phòng họp đến 3-4 lần, thấy rất nhộn nhịp. Nếu ai mà không tham gia vào cùng mà chỉ nhìn ở ngoài thì sẽ thấy rất hiếu kỳ.

Tuy cảm giác có chút tò mò nhưng mình cũng không phải là quá ấn tượng hay cảm thấy thuyết phục để thực hành Agile ngay tại thời điểm đó. Rồi vì sự tò mò dẫn lối, xung quanh mọi người ai cũng nhắc đến Agile, Scrum nên mình đi tìm kiếm trên Google về các từ khóa liên quan đến Agile.
Mình nhớ là còn search cả các từ như là Agile mindset - một từ mà anh Steve rất hay nhắc đến khi nói về Agile. Anh ấy bảo Agile không chỉ là practices mà nó còn là tư duy, thậm chí là lối sống của nhiều người. Giống kiểu ăn bóng đá, ngủ bóng đá thì anh ấy còn biến tấu thành Ăn Agile, ngủ Agile =))
Trong giai đoạn tìm kiếm một định nghĩa cụ thể cho câu hỏi vậy Agile mindset là cái gì, mình đã tìm được một bài viết với những luận điểm rất thú vị và ngắn gọn về tư duy Agile, giá trị của Agile. Bài viết có tên là What does it mean to have an Agile mindset của bác Leanne Howard, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành IT, và tư vấn về thực hành Agile. Mình đọc một lèo bài viết này rồi bỗng nhiên nhận ra Agile chẳng phải thứ gì cao siêu cả, nó dường như là một hệ giá trị sống (values & belief system). Hơn nữa, nó còn là một hệ giá trị tích cực và hướng thượng.
Mình tự hỏi: Nếu mình có những phẩm chất thì sao? Phải chăng sống với những giá trị này thì làm việc gì cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều? Và con tim mình mách bảo đó là những giá trị hướng tới khai phá tiềm năng phát triển của con người. Những giá trị ấy lại còn có gì đó rất gần với con người mình, và là giá trị của con người tương lai mà mình hướng tới. Vậy tại sao lại không thử đào sâu nhỉ? Thử học thêm về Agile manifesto, Agile principles, và các Agile practices xem sao.
Đến giờ thì đã thực hành Agile cùng team và công ty được gần 2 năm rồi. Mình cảm thấy con người mình cũng có tư duy mở hơn, adaptive hơn trước nhiều. Nhờ có bài viết khai sáng đó mà con đường sống với các giá trị của Agile mà mình đang đi có thêm niềm vui phấn khích, xen lẫn cả cái sự tò mò, muốn khám phá sâu vào bản chất hơn.
Và mình sẽ lược dịch bài viết đó ở đây, để mọi người cùng tham khảo để biết đâu lại fall in love với Agile nhờ bài viết này😄
Trước hết cần hiểu mindset là một hệ thống các niềm tin, và phương thức tư duy của một nhóm người. Nhờ có hệ thống tư duy và niềm tin này mà họ có thể dễ dàng đón nhận những hành động, những lựa chọn và công cụ đã có từ trước.
Đối với bản thân Leanne Howard, thì Agile mindset là “There is no failure, only feedback.”. Hiểu là bác ấy coi mọi việc xảy ra là bài học mình cần phải học, điều chỉnh các hành động của mình dựa trên phản hồi và hướng tới những kết quả mong muốn, và sự cải tiến liên tục để đầu ra tốt hơn.
“There is no failure, only feedback.”
Leanne nghiệm ra rằng có những người mà bác từng gặp họ sống với Agile mindset. Họ sẽ đối mặt với các tình huống trong công việc với thái độ tích cực, đưa ra các gợi ý, để đương đầu với các trở ngại. Họ đặt câu hỏi để hiểu điều gì là quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với doanh nghiệp, và thường đưa ra các giải pháp sáng tạo và thử nghiệm các giải pháp đó. Họ cũng có cái nhìn thực tế, tập trung vào sự thành công của cả team.
Nhờ những sự tiếp xúc và làm việc với những người đó, bác ấy đã khái quát và nhận ra họ có 5 tính cách điển hình sau:
- Thái độ tích cực - Positive attitude
- Khao khát tri thức - Thirst for knowledge
- Coi trọng mục tiêu và thành công của team hơn cá nhân - Goal of team success
- Tính thực dụng, thực tiễn khi đối mặt với các tình huống - Pragmatism
- Sẵn sàng cho thất bại - Willingness to fail

1. Thái độ tích cực
Dự án nào chả có khó khăn thử thách. Chúng ta đều là con người và đều có thể phạm sai lầm. Mọi thứ không luôn đi theo đúng hướng, điều quan trọng là các thành viên trong team đối mặt và giải quyết các vấn đề như thế nào.
Một vấn đề thoạt nhìn có vẻ tiêu cực nhưng nhìn theo hướng tích cực thì nó có thể biến thành cơ hội để cải tiến. Một team có thái độ tích cực là khi họ nhận diện ra vấn đề và thậm chí dự đoán những rủi ro tiềm ẩn, và tích cực đưa ra các phương án giải quyết vấn đề.
Nếu bạn mới thực hành Agile, và triết lý self-management, bạn có thể sẽ gặp phải những khó khăn. Hoặc là bạn có thể thử nghiệm một thứ gì đó mới và không ra kết quả gì. Điều đó có thể làm bạn down mood và chán nản. Nhưng nếu tập cho mình giữ một thái độ tích cực, bằng cách nhắc nhở mình là bạn sẽ học được gì đó từ tình huống này, bạn sẽ thấy khá hơn.
2. Khao khát tri thức
Agile chú trọng vào học tập và thích nghi.
Một người với trí tò mò luôn đặt câu hỏi để giúp team của mình có những cách hiểu tốt hơn về câu chuyện của người dùng, của khách hàng. Họ mong muốn kiếm được các nhiều thông tin càng tốt để có thể sản xuất và chuyển giao được các sản phẩm chất lượng cao.
Những câu hỏi 5Ws là kỹ thuật thường được người thực hành Agile dùng để tìm kiếm thêm các kiến thức, khám phá các dấu hiệu của một vấn đề, đi kèm với các câu hỏi thăm dò (probing questions) để hiểu hơn về nguyên nhân sâu xa, chứ không phải là tầng bề mặt.

3. Coi trọng mục tiêu và thành công của team hơn cá nhân
Agile còn chú trọng vào sự thành công của team, chứ không phải của các cá nhân đơn lẻ, hay các hành vi anh hùng riêng rẽ.
Trong 1 team, nếu có một thành viên gặp khó, và cảm thấy không thể hoàn thành hết các task được team ưu tiên cao trong tuần. Những thành viên khác có các task có độ ưu tiên thấp hơn hoàn toàn có thể cộng tác và làm cùng để giúp team hoàn thành được mục tiêu tuần và chuyển giao được các giá trị quan trọng đã cam kết.
Một phẩm chất nữa cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công chung của team là các thành viên sẵn sàng bước ra ngoài vùng an toàn để giúp đỡ lẫn nhau trong các dự án. Vì sự thành công của team, các thành viên có chuyên môn cao hơn có thể sẵn sàng đào tạo, hướng dẫn kiến thức cho các thành viên chưa vững vàng chuyên môn về một mảng nào đó. Việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm trong team có thể giúp giảm sự phụ thuộc của team vào một người key person. Thêm nữa, khi cả team có cách hiểu chung về các nhiệm vụ, team sẽ có lên được những kế hoạch tiếp theo chính xác hơn.
4. Thực dụng
Chất lượng là một yếu tố quan trọng trong tư duy và thực hành Agile. Mọi người có thể có cách hiểu khác nhau về chất lượng là gì nhưng điều quan trọng là team hiểu đâu là điều quan trọng với công ty. Rồi xem xét giải quyết các tình huống một cách hợp lý, và thực tế hơn là chỉ dựa trên các lý thuyết suông.
Thay vì bào chữa, các thành viên cần đưa ra các phương án, các lựa chọn.
Chúng ta cũng không thể ép buộc người khác thay đổi. Thay vào đó, hãy chỉ cho họ thấy tương lai là sẽ là như thế nào và giúp đỡ họ tham gia vào quá trình tạo ra tương lai đó. Các thành viên trong team cũng cần phải sẵn sàng để giúp đỡ lẫn nhau, để đạt được thành công đối với những nhiệm vụ được ưu tiên cao nhất, kể cả khi có thể vì thế mà bạn sẽ không hoàn thành công việc của mình.

5. Sẵn sàng cho những thất bại
Không phải chuyện gì cũng suôn sẻ cả. Nếu phải lựa chọn giữa thực hiện một việc và có nguy cơ thất bại hay là chọn việc không làm gì cả, thì một người sống và tư duy Agile sẽ sẵn sàng thử nghiệm, go for it.
Leanne cũng mong muốn team của bà sẽ học được những bài học quý gia khi đối mặt với thất bại:
- Học từ trải nghiệm đó, nếu trong tình huống tương tự, đừng lặp lại lựa chọn tương tự đã dẫn bạn đến thất bại.
- Hiểu rằng nếu một thứ không đúng trong tình huống này thì vẫn có thể đúng trong tình huống khác. Hãy thêm một kỹ thuật mới vào bộ toolkit của bạn.
- Cảm thấy empowered - trở nên mạnh mẽ hơn khi nói về thất bại của bạn để người khác có thể học từ nó.
- Không che giấu thất bại, hãy cởi mở hơn với team của bạn.
Đổi mới sáng tạo thì luôn đến từ việc thử nghiệm những thứ mà bạn chưa từng nghĩ sẽ làm đối với những việc hàng ngày bạn vẫn đang làm. Vì vậy đừng ngần ngại, hãy thách thức các lối tư duy cũ nếu chúng không còn giá trị và ý nghĩa nữa.
Chốt lại, ẩn sau Agile mindset chứa đựng một niềm tin rằng chúng ta đều có thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu chúng ta dồn công sức vào việc gia tăng hiểu biết, tăng cường sự cộng tác, hỗ trợ trong team và trong tổ chức.
Leanne cũng nhấn mạnh, có nhiều định nghĩa về Agile mindset ngoài kia, bạn có thể tham khảo những đặc tính bác liệt kê ở đây và truyền đạt cho các thành viên muốn thực hành Agile.
Khép lại
Đặc tính của tư duy Agile (Agile mindset) gần giống như đặc tính của growth mindset (tư duy phát triển). Nghĩa là một người sở hữu tư duy này sẽ sống với thái độ tích cực, và tinh thần cộng tác với người khác để đương đầu với khó khăn, hay xử lý các vấn đề. Người này cũng sẵn sàng đón nhận các cơ hội đến với mình, không nản lòng vì những thất bại mà coi chúng là bài học để cải tiến và chuyển giao những giá trị tốt hơn tới người dùng và khách hàng.
Rèn luyện và xây dựng được cho bản thân những phẩm chất, đức tính như vậy sẽ giúp bạn và team trở nên Agile - linh hoạt hơn trong mọi công việc. Nhờ đó bạn và tập thể, tổ chức của bạn có thể dễ dàng thích nghi với những biến đổi không ngừng trên thị trường và trong cuộc sống.
Nguồn tham khảo: What does it mean to have agile mindset