Trong mô hình chuyển đổi Agile cơ bản, bước đầu tiên cần làm nhất, và quan trọng nhất để khởi tạo nền móng chính là việc xây dựng các Team tự chủ. Điều này cũng đã được nhắc đến trong Principle thứ 11 của Agile.

The best architectures, requirements, and designs emerge from self-organizing teams.

Khi màu sắc của công ty không còn nhiều tính chất cá nhân, mà thực sự là màu sắc của team, là bản sắc team, lúc đó bạn sẽ thấy công ty mình đang Agile hơn như thế nào. Tại Magestore hiện tại, chúng tôi có 50 con người hoạt động theo 9 team khác nhau. Mỗi team có một cái tên riêng, có những tính cách riêng, có không gian làm việc riêng, có những quy định làm việc riêng và cách bonding riêng với nhau. Tất cả 9 team cùng hoạt động trong môi trường Agile, văn hoá học tập và không ngừng chia sẻ do Magestore xây dựng. Bài viết này sẽ là một bài viết dài & chi tiết về cách Magestore đã xây dựng team tự chủ theo kiểu Agile như thế nào, từ khái niệm, nguyên tắc đến những thực hành vô cùng thực tế.


1. Team tự chủ (Self organizing team) là gì?

Team là tập hợp những người có skill và kiến thức nhất định để cùng thực hiện một mục tiêu của tổ chức. Đó là định nghĩa cơ bản nhất về Team. Nhưng tính tự chủ của team sẽ được thể hiện qua những hành vi sau:

  • Team không phụ thuộc và cũng không đợi manager để giao việc. Trái lại, họ rất chủ động đưa ra thứ tự ưu tiên công việc của mình, và đồng quan điểm ở chuyện việc gì là việc cần làm tiếp theo, trả lời câu hỏi "What matters the most?"
  • Team tự lên kế hoạch công việc và tự quản trị trách nhiệm cũng như thời gian hoàn thành công việc
  • Team tự thiết kế giải pháp cho các công việc của mình để đảm bảo sẽ hoàn thiện công việc một cách hiệu quả và năng suất nhất
  • Và điểm cuối cùng, team tự chủ khi team luôn tìm kiếm sự cải tiến qua những thử nghiệm và công việc của mình

Cố giáo sư Richard Hackman, nhà nghiên cứu nổi tiếng về hành vi tổ chức của trường Đại học Harvard đã từng đưa ra mô hình về các trạng thái của team, mà ở đó khi nhìn vào chúng ta có thể hiểu rõ hơn tính tự chủ của team mình có đang ở đâu và như thế nào.

Mô hình được vẽ trên 2 trục, 1 trục là Các level khác nhau của sự tự chủ trong team và trục còn lại là các hành vi, những công việc ở tầm đó team tự thực hiện được hoàn toàn. Điều thú vị ở đây, càng lên cao thì team càng có khả năng cao và sự quan tâm của nhóm quản lý càng nhỏ lại. Trạng thái cao nhất là khi team tự chủ được hoàn toàn và thực sự chúng ta không cần sự sát sao của Manager nữa.


From Richard Hackman "The wisdom of team"

Phân tích sâu hơn bảng Trạng thái team này, chúng ta thấy 4 level được xác định như sau:

- Manager Led Team: Team hoàn toàn phụ thuộc vào Manager trong việc cần làm gì, làm như thế nào. Lúc này team chỉ đóng vai trò đơn thuần là người thực hiện công việc đó.

- Self-managing Team: Team tự quản. Team thực hiện các công việc chuyên môn của mình, đồng thời tự giám sát công việc của mình. Cái này không khác gì học sinh đi học, vì cô giáo đi họp nên sẽ để cả lớp ở trạng thái tự quản, tự đôn đốc và bảo ban nhau được.

- Self-designing Team: Team tự thiết kế. Ngoài việc tự quản, team tự lên được cách làm việc cho mình, và có những tác động lên môi trường xung quanh của mình, để tạo điều kiện tốt nhất cho team tự làm việc. Mình có thể lấy ví dụ trong Magestore, mình có team làm việc với khách hàng, mà khách hàng của tụi mình toàn là khách Âu Mỹ. Để tối ưu công việc, team đã tự trao đổi và đề xuất việc thay đổi giờ làm việc, sẽ làm từ 9h sáng đến 6 chiều thay vì vào làm 7h30 như các team khác trong công ty.

- Self-governing Team: Team tự chủ hoàn toàn. Hành vi cao nhất một team có thể làm được để chứng minh sự tự chủ của mình, đó là việc biết mình cần làm việc gì, và thuyết phục được nhóm quản lý tại sao đó lại là quyết định đúng. Từ việc lên OKR của Quý, mục tiêu về năng suất, hay thậm chí việc tự đánh giá lẫn nhau, tự lên các chương trình training đào tạo và tự tuyển dụng hoặc chủ động đề xuất kế hoạch tuyển dụng khi thấy cần.

Mô tả Level của Team tự chủ theo nguyên tắc của Richard Hackman

Đọc đến đây, bạn có thấy kích thích với ý tưởng về Team tự chủ hoàn toàn. Đó là lúc, nếu bạn là nhà quản lý hay founder của công ty, bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian vào các công việc quản lý (được cho là chưa tạo ra giá trị trực tiếp trong chuỗi Value Chain), bạn có sự tập trung để làm những việc quan trọng khác (mở ra hướng đi mới, hoặc cải thiện những thứ mang tính hệ thống, toàn diện cho công ty)


2. Nguyên tắc vàng của Team Tự chủ

Đặc điểm chung của Team tự chủ

Dựa trên phân tích về các trạng thái của Team tự chủ, các bạn sẽ thấy một team tự chủ thường có những đặc điểm chung sau đây:

Cross functional: Có nhiếu skill set trong team để bổ trợ và phối hợp với nhau thực hiện công việc
Self Organizing: Tự chủ với công việc của mình, tự giám sát và định hướng được công việc của mình
Self Healing: Tự lành. Làm việc không thể không thiếu conflict. Nếu conflict nào cũng cần một người bên ngoài giải quyết thì sẽ không thể gọi là team tự chủ được.
Có định hướng rõ ràng và cam kết với mục tiêu một cách bền vững. Đó là việc team tự chủ hiểu tại sao công ty lại cần team mình, và làm thế nào để team mình hướng đến kết quả cuối cùng được
Được định hướng bởi những người có tầm nhìn, tư duy giải quyết vấn đề tốt, khả năng coaching và giúp team tự lớn.

Nguyên tắc xây dựng Team tự chủ

Xây dựng team tự chủ theo văn hoá Agile không phải là công thức bí kíp gia truyền áp dụng cho vạn người, mà mỗi một tổ chức sẽ có những nét văn hoá riêng đặc thù mà bạn sẽ cần điều chỉnh chi phù hợp. Chính vì thế, ở đây mình không nói đến cách làm, mà chỉ chia sẻ NGUYÊN TẮC - những điều cốt lõi cần đảm bảo để có thể xây dựng được team tự chủ. Các bạn đã bao giờ nghe đến mô hình Drive của Daniel H. Pink. Đó là môt hình về việc tạo động lực cho đội nhóm và đây chính là nguyên tắc vàng của Team tự chủ. Không khác chiếc xe để chạy trên xa lộ, cũng như việc nhân viên làm việc trong công ty, nếu các bạn ấy cứ đi, chiếc xe cứ đi mà tự có cách nạp năng lượng để đi, không cần dừng lại để bơm xăng có là một điều tuyệt vời?

Mô hình Drive kết luận nguồn động lực cho chúng ta làm việc sẽ đến từ 3 yếu tố:

1. Autonomy - Sự tự chủ

Team thực sự tự chủ, không phải sợ sệt khi làm việc nọ việc kia và sợ bị soi mói phán xét. Khi bạn thực sự là người nhào nặn ra kết quả và là người cuối cùng chịu trách nhiệm về kết quả đó, lúc đó bạn sẽ làm như là công việc của chính bản thân mình vây. Chúng ta hay có sự so sánh giữa việc làm cho cá nhân/gia đình với việc làm cho công ty. Nếu ở công ty, bạn cũng thấy công việc đang làm là của bạn, bạn có dốc sức để làm và liên tục tối ưu nó?

2. Mastery - Sự thông thái & học tập liên tục

Never Stop Learning. Đừng bao giờ ngừng học tập, vì cuộc sống, công việc và những trải nghiệm luôn là một bầu tri thức tuyệt vời mà không bao giờ chúng ta học hết. Có học, có khiêm tốn mới có sự cố gắng và nỗ lực hơn. Nếu hài lòng với những gì đang có, không mở lòng để học thì có lẽ chúng ta cũng sẽ ít động lực để tiếp tục tiến lên, tự làm công việc của mình và cố gắng vì nó.

3. Purpose: Mục tiêu ý nghĩa

Chiếc xe sẽ là vô dụng nếu không có điểm đến & mục tiêu. Mọi sự cố gắng của chúng ta cũng vậy. Nếu team thực hiện công việc mà không thấu hiểu tại sao chúng ta cần làm việc này, việc này có ý nghĩa như thế nào đến tổ chức thì có lẽ chỉ đi được 1 quãng là team sẽ loạng choạng và dừng lại, hoặc thấy rất mệt mỏi. Để làm tốt việc này, chắc chắn chúng ta cần sự giao tiếp thường xuyên hơn với team, liên tục trò chuyện và nhấn mạnh vai trò của team, cái "WHY" của team và công việc các bạn đang làm. Chứ không phải để các bạn cảm nhận team chỉ là con tốt trong tay của công ty, công ty muốn làm gì thì làm và tôi cũng không xác định cái gì dài hạn lâu bền, hay tôi không đóng góp gì ở đây cả.

team tự chủ
Hình ảnh team chuẩn bị game trong MageFest


Công cụ xây dựng Team tự chủ

Chúng ta sẽ phân tích chi tiết hơn từng nguyên tắc này, và mở rộng một số công cụ cực kỳ thực tế để các bạn áp dụng vào ngay và từ từ xây dựng các nguyên tắc trong team. Hướng mở rộng này đều đi từ kinh nghiệm của bản thân mình khi trải nghiệm làm việc và quan sát các nhóm trong công ty, xem tại sao có team có có team không. Hoặc trước đây không có cái gì và bây giờ có cái gì mà lại khác biệt đến thế (đây là kỹ năng Reflection mà team mình hay sử dụng để đúc rút những điều học được từ trải nghiệm)

Bảng phân quyền giúp team tự chủ hơn khi nhận việc

Phần lớn những xung đột về sự tự chủ bắt nguồn từ việc thiếu 1 quy định từ đầu về quyền hạn & nhiệm vụ với nhau, đặc biệt giữa sếp (manager) và team, hay còn gọi là sự thiếu rõ ràng khi giao việc. Giao việc là một nghệ thuật. Giao như thế nào, để team sẵn sàng làm và hiểu rõ mình cần làm đến đâu trong công việc đó. Công cụ đắc lực cho các bạn chính là "Bảng phân quyền" - là quy ước về quyền giữa người giao việc & người nhận việc dựa trên 7 cấp độ. Cấp độ đơn giản nhất là Tell - tức chỉ định việc để làm, còn cấp độ cao nhất là Delegate - tức Trao quyền hoàn toàn, hiểu bạn được sếp trao quyền quyết định cuối cùng cho việc này. Bài viết Bảng phân quyền sẽ cho các bạn kiến thức chi tiết hơn về công cụ này.

bảng phân quyền
Bảng phân quyền - Management 3.0

T-shaped & Growth Mindset - Tư duy để học tập và phát triển liên tục

Mastery có nghĩa bạn có khả năng sử dụng và liên tục cập nhật cho skill mà mình muốn, hay tượng trưng cho mục tiêu học tập liên tục bằng việc xác định mình muốn học gì & mình làm gì để có kết quả phát triển liên tục. Đằng sau yếu tố Mastery này là 2 khái niệm sẽ giúp chúng ta định hình tốt hơn thứ cần học & có một thái độ muốn học. Đó là T-shaped & Growth Mindset.

Agile được áp dụng trong những bối cảnh diễn ra nhiều sự thay đổi liên tục, khó lường. Chính vì vậy, nếu chỉ ôm mãi cho mình một skill duy nhất, có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong tương lai khi những thứ thuộc về hiện tại bị biến đổi đi. Đấy là  lí do tại sao giới nhân sự bây giờ lại chuộng cách phát triển theo hướng T-shaped. Đó là việc bạn sẽ làm chủ 1 kiến thức chuyên sâu của mình, nhưng không từ chối cơ hội phát triển thêm những kỹ năng phụ trợ khác. Điều này khuyến khích bạn học nhiều hơn, chấp nhận thử thách nhiều hơn, chứ không bị bó buộc và từ chối "Đây không phải là việc của tôi!" Một điểm lợi nữa, bên cạnh tính linh hoạt cá nhân, một ưu điểm của những con người sẵn sàng phát triển theo hướng T-shaped đó là họ sẵn sàng đón nhận những nhóm công việc khác, từ đó làm tăng khả năng cộng tác ở trong team hơn.


Minh hoạ T-shaped people - Careers Unbound

Việc cởi mở với những cơ hội mới, cho dù có khó, có mới mẻ là một trong các biểu hiện của "Growth Mindset" - Tư duy phát triển. Đây là một tư duy thường có ở những con người thành công, mà ở đó bạn sẽ thấy họ luôn tin tưởng bằng cách vượt qua thử thách khó khăn họ, họ đang lớn lên, đang chinh phục được chính cái đỉnh cũ của bản thân mình và vượt qua nó. Khái niệm được giáo sư Carol Dweck đưa ra và bà cũng có bài nói rất truyền cảm hứng trên Ted Talk với chủ đề này. Đây không chỉ là một cách tư duy tốt một cách cảm tính, mà chính khoa học cũng đã chứng minh điều này:

Khi vượt ra khỏi comfort zone thì năng lực của bạn được cải thiện.

Não bộ của con người có thể thay đổi từ lúc chúng ta còn ở trong bụng mẹ cho tới khi đã già. Số lượng tế bào thần kinh, các thành phần cấu tạo nên não bộ chúng ta tăng trưởng rất nhanh trong những năm đầu đời. Khi chúng ta đã trưởng thành, nhiều tế bào thần kinh chết đi, nhưng có một số lượng khác vẫn được sinh ra. Và đặc biệt, cơ cấu tổ chức não bộ với những kết nối phức tạp giữa các tế bào đó thì luôn luôn thay đổi khi chúng ta hoạt động, suy nghĩ và cảm nhận. Chính vì vậy, việc liên tục vượt qua thử thách, là cách để não của bạn không đứng một chỗ, mà phát triển không ngừng. Luyện tập tư duy phát triển cũng là cách để đạt được nguyên tắc Mastery trong Agile.

Customer Journey Map - Nơi team định nghĩa giá trị của mình

Mission/Purpose hay Creating values for others là yếu tố cao nhất trong tháp động lực làm việc của 1 vị tiến sĩ người Nga, trên cả tiền, trên cả địa vị, đó là việc chúng ta có một ý nghĩa để tồn tại. Nhìn lại ở doanh nghiệp, chúng ta sẽ thấy doanh nghiệp muốn phát triển trường tồn đều theo đuổi 1 giá trị sau cùng, hướng đến một ý nghĩa nào đó cho xã hội/cho một nhóm người, đó chính là sứ mệnh của doanh nghiệp. Vậy một team tự chủ có được purpose trong công việc cần hiểu  như thế nào, chúng ta cần có một mô hình để phân tích và trò chuyện với các bạn. Đó là công cụ Customer Journey Map, công cụ mapping giữa hành vi của khách hàng & các phòng ban/team trong tổ chức của mình để thấu hiểu team nào, đang đóng góp đến đâu trong câu chuyện chung - mang lại giá trị cao hơn cho khách hàng.

Mình còn nhớ, trong 1 lần chia sẻ tại Seminar về Agile, có bạn đặt câu hỏi: Làm thế nào để khiến team telesales & support chủ động phát triển bản thân hơn nữa, có động lực làm việc hơn nữa? Nếu sử dụng Customer Journey Map và cùng làm với nhau, chắc chắn 2 nhóm này sẽ hiểu họ đang thay mặt công ty tương tác với khách hàng ở những vị trí nhạy cảm nhất. Họ chính là gương mặt thương hiệu của nhãn hàng, và họ sẽ là người quyết định phần nhiều khách hàng có mua hàng của bạn hay không.

customer journey map
Ví dụ về Customer Journey Map


Tổng kết lại, 3 nguyên tắc để tạo ra một team tự chủ, đó là Autonomy - Mastery - Purpose. Muốn xây dựng và tạo nền móng cho những nguyên tắc này, một số công cụ sẽ giúp bạn có cách thực hiện hơn, bên cạnh những lý thuyết cơ bản. Đó là bảng phân quyền để có sự giao tiếp chính xác về quyền và team sẽ làm đến đâu, chủ động đến đâu trong team. Đó là sự nỗ lực học tập không ngừng với tư duy phát triển (growth mindset) và mô hình phát triển lý tưởng T-shaped. Đó là một ý nghĩa cao quý sau cùng cho sự tồn tại của team hướng đến mục đích/sứ mệnh của tổ chức.

3 nguyên tắc team tự chủ
Minh hoạ 3 nguyên tắc của Team tự chủ

3. 3 bước chuyển đổi để thành 1 team tự chủ

Không có sự chuyển đổi nào là thần tốc. Đặc biệt khi nó là sự biến đổi về chất trong team của bạn. Còn gì khó hơn là thay đổi phong cách làm việc của cả một nhóm người. Vì vậy, bạn cần nhận thức rõ ràng không có cách nào đi tắt đón đầu trong công cuộc này. Sự chuyển đổi đòi hỏi một kỹ thuật cao hơn của người lãnh đạo, nhiều thời gian của người lãnh đạo trong giai đoạn đầu, và cần một quãng thời gian để mọi thứ biến đổi. Đã có nhiều tác giả mô hình hoá sự chuyển đổi này theo 3 bước: Training - Coaching - Mentoring.

Mô hình 3 bước chuyển đổi của Team tự chủ


Ban đầu, các team sẽ cần có guideline khá chi tiết về việc làm như thế nào, làm ra sao, hiểu đơn thuần là các process để áp dụng vào trong công việc. Tuy nhiên nếu process chỉ là việc đứng ra hướng dẫn 1 ngày, và sau đó team tự làm từ đầu đến cuối thì sẽ rất dễ rơi vào trạng thái bỏ lửng. Bản chất việc triển khai bất cứ quy trình nào trong team cũng vô cùng phức tạp. Hãy tưởng tượng một bối cảnh THỰC TẾ, mình nhấn mạnh là THỰC TẾ.

- 1 quy trình được áp vào với guideline và chỉ dẫn cụ thể

- Team được hướng dẫn về lí do và cách thức, sau đó team đưa vào áp dung

- Lúc đầu hào hứng nhưng sau đó bắt đầu phát sinh 1 số vấn đề

- Các cá nhân trong team bắt đầu thấy quy trình phiền hà, bản thân công việc không đã nhiều, giờ lại còn thêm quy trình lằng nhằng phức tạp

Nếu không có coaching và sự sát sao kèm cặp chắc chắn các quy trình và hướng mới sẽ bị bỏ ngỏ. Đó là lí do tại sao cần bước 2 là Coaching, và bước 3 là Mentoring hướng đến sự phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân trong công ty.

Nếu doanh nghiêp/công ty của bạn áp dụng OKR trong công việc chắc cũng sẽ không lạ lẫm với cụm từ OKR Check in hay CFR (conversation - feedback - recognition) Đây cũng là một concept coaching thường xuyên của những người có tầm ảnh hưởng tới team và team member, đảm bảo các tâm tư nguyện vọng được lắng nghe và quan tâm và follow up.

4. Magestore đã làm gì để xây dựng các team tự chủ

Dựa trên những concept đã nêu ở trên, Magestore trong suốt năm 2019 cũng đã áp dụng các hình thức khác nhau để cùng gầy dựng môi trường cho các team tự chủ làm việc. Dưới đây sẽ là câu chuyện của Magestore: 

4.1. Structure lại công ty, thành lập các team tự chủ có mục tiêu chung rõ ràng

Năm 2018, Magestore có cơ cấu các phòng ban rõ ràng từ Product, Business Development, Marketing, Sales, Delivery, HR. Lúc đó Magestore đang có 4 vị trí Manager: Technical Manager, Implementation Manager, Sales Manager và Marketing Manager và 1 CEO quản lý chung của toàn công ty. Sau đó, Magestore đã restructure lại toàn công ty để đảm bảo mỗi một team hoạt động có chung 1 mục tiêu, số lượng người không quá đông, đảm bảo hiệu suất của team. Đến năm 2019, Magestore thay đổi thành một tổ chức có 9 team hoạt động, xoay xung quanh người điều hành duy nhất là CEO. Magestore có 1 team phụ trách hoạt động Business Operation, thực hiện những công việc Process, Tools, Branding và điều phối Recruitment.

Minh hoạ Agile Transformation - Các team tự chủ


4.2 Coaching Team thực hiện Foundation

Ngay sau khi thay đổi team, nhận thấy việc giúp các team thực hiện hoạt động foundation tốt, Magestore đã đưa ra khoảng thời gian 02 tuần để các team tự chủ thực hiện hoạt động Foundation, Review & Planning cho năm mới, trong đó:

- Team Foundation: là hoạt động team ngồi cùng nhau chỉ rõ tại sao team mình lại tồn tại, mang lại ý nghĩa gì cho hoạt động của công ty (trong value chain của hướng đến khách hàng), team có những working agreement, có Values gì.

- Team Review: là việc cả team cùng ngồi thực hiện reflection cho công việc của mình trong 1 năm vừa rồi, những điểm được, chưa được trong quá trình hoạt động. Nếu là team mới thành lập (bao gồm những người từ các team cũ chuyển sang) thì sẽ cùng ngồi reflect lại hoạt động đó của công ty, từ view nhìn của các nhân sự hiện tại.

- Team Planning: là hoạt động brainstorming hướng đến những điều muốn làm trong năm mới. Điều gì quan trọng mà bản thân team muốn cải thiện, cả về công việc, quy trình cũng như con người.

Magestore đưa ra guideline cho hoạt động này và faciliate các team thực hiện hoạt động này một cách đồng loạt, cùng chia sẻ và show off kết quả của nhau.

team foundation, team tự chủ
Hình ảnh từ tài liệu Team tự chủ 2019


4.3 Đưa Scrum Events và khuyến khích các team follow

Trong các Framework Agile, thì Scrum là cái tên quen thuộc nhất. Magestore áp dụng Scrum một cách linh hoạt trong tất cả 9 team của mình, mỗi team tự lựa chọn việc áp dụng Scrum đến đâu để nâng cao hiệu suất công việc chung. Có team thì áp dụng các Scrum Events, có team thì áp dụng rất sâu các technique của Scrum như Burndown Chart, sử dụng Planning Poker..

Team Business Operation của Magestore (MageX) có thực hiện 1 số guideline cơ bản để các team chủ động hoạt động theo Scrum Framework và cụ thể là Scrum Events: Planning, Daily Meeting, Review, Retro. Magestore xuất bản Agile Playbook giúp các team facilitate hoạt động Scrum hiệu quả hơn trong công việc. Thêm vào đó là sự ra đời của bạn Ariel - bộ Agile Toolkit.

faciliate team tự chủ
Hình ảnh Agile Playbook & Agile Toolkit của Magestore


4.4 Transparent Goals

Tại Magestore, có 1 team tồn tại không chính thức đó là team Spinach. Team này bao gồm những key people được CEO chỉ định sẽ gặp mặt nhau 1 quý một lần để cùng lên chiến lược tổng thể cho Magestore. Team Spinach trong không khí làm việc mới cũng open to share rất nhiều thông tin planning của mình về định hướng của Quý mới, mổ xẻ phân tích và giới thiệu cho mọi người biết tại sao chúng ta lại chọn việc này, việc này sẽ được làm theo hướng tiếp cận như thế nào.

transparent goal
Hình ảnh 1 buổi họp Quý 3 của Spinach

Thêm vào đó, tại các sự kiện truyền thông nội bộ của công ty, ví dụ như Monday Motivation, Tổng kết tháng, hay trên Kênh tri thức chung của Magestore, Spinach, cũng như các team khác cổ vũ việc sharing kế hoạch ra ngoài nhiều hơn.

4.5 Transparent Process & Information

Tiếp nối việc Transparent về Goal, transparent Process và thông tin là việc tiếp theo Magestore đã làm được. Có thể nói 2019 là một năm thay đổi khá nhiều trong các giải pháp công nghệ quản trị công ty, từ việc:

- Đưa vào hoạt động & tối ưu ERP của Magestore được build trên hệ thống mở Odoo

- Đưa vào hoạt động Magon - 1 bạn bot trên slack giúp các tác vụ với hệ thống dễ hơn theo dạng giao tiếp (conversational)

- Đưa vào hoạt động Stories - Kênh quản trị tri thức của công ty và khuyến khích các bạn trong công ty cùng lưu lại và sharing kiến thức cho nhau

- Đưa lại vào hoạt động hệ thống Kudos - Peer to peer recognition system cho phép các bạn trong công ty tự cảm ơn và thể hiện lòng biết ơn/gửi gắm lời cảm ơn cho nhau. Hệ thống hoạt động như một kênh giao tiếp hiệu quả thứ 2 bên cạnh slack, hướng về những kết quả công việc được hoàn thành, hoặc làm nổi bật nhữn hành vi được công ty cổ vũ thực hiện.

transparent, erp
Hệ thống ERP tự build của Magestore, hiển thị transparent danh sách nghỉ trong ngày


chat bot, team tự chủ
Hình ảnh Magon hoạt động trên Slack thông báo danh sách sinh nhật trong tháng

Hệ thống KMS của Magestore - Nơi lưu trữ tri thức

kudos, team tự chủ
Hình ảnh Kudos - Hệ thống cảm ơn peer to peer theo bộ giá trị của Magestore

Trước khi kết thúc, mình đúc kết lại những ý chính nhất cần nhớ khi muốn xây dựng Team Tự Chủ, đó là:

  • Nhận thức rõ Team tự chủ không phải là một trạng thái, đó là một quá trình tiến triển liên tục, từ Self Managing, Self Designing và cuối cùng là Self Governing.
  • Nguyên tắc xây dựng Team tự chủ có 3 nội dung: Sự tự chủ (bảng phân quyền & sự an toàn tâm lý - psychological safe) ; Sự ham học hỏi liên tục (phát triển theo hướng T-shaped và Tư duy phát triển Growth Mindset) và mục tiêu rõ ràng & truyền cảm hứng (động lực làm việc 5M và Customer Journey - Hành trình khách hàng)
  • Một team tự chủ sẽ dần chuyển trạng thái khi được training, coaching & mentoring. Đừng để mặc họ tự bơi một mình
  • Team tự chủ không phủ nhận vai trò của Manager, vẫn luôn cần có người giúp tạo ra một môi trường hợp tác & kích thích để team phát triển
  • Digital Transformation (Chuyển đổi số) đóng vai trò rất quan trọng trong việc gầy dựng các team tự chủ, giúp team thực sự làm chủ và được tiếp cận công bằng với các thông tin quan trọng của công ty.

Những chia sẻ trên đây là những gì mình chắt lọc sau quãng thời gian gần 1 năm hoạt động trong team Business Operation của Magestore, nội dung này đã được chia sẻ trong sự kiện Agile Việt Nam Conference 2019 do Học viện Agile đồng tổ chức. Các bạn có thể theo dõi video chính thức của sự kiện để dễ hiểu hơn nữa các nội dung đã được chia sẻ nhé.

Chặng đường phát triển của Magestore còn rất nhiều sự chiêm nghiệm nữa, các bạn cùng đón đọc những bài phân tích & chia sẻ tiếp theo bằng cách subscribe vào Magestore Insights nghen.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài chia sẻ rất dài này!

Hãy đăng ký nhận tin để là người đầu tiên đọc bài viết mới nhất từ chúng tôi nhé

Posted 
Feb 24, 2020
 in 
Agile & Culture
 category

Bài viết khác từ

Agile & Culture

category

View All